Cùng với đời sống văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Kinh, Cơtu đã tạo cho Đông Giang nhiều tiềm năng lợi thế lớn để khai thác du lịch. Đông Giang là một huyện miền núi vùng cao của tỉnh Quảng Nam cách trung tâm thành phố Tam kỳ 145km về phía Tây Bắc, cách thành Phố Đà Nẵng 65 km và phố cổ Hội An khoảng chừng 85km; là cửa ngõ, vành đai rất thuận lợi trong việc giao thương trong phát triển kinh tế - xã hội; Đông Giang có vị trí địa lý khá thuận lợi từ 15050’ đến 16010’ độ vĩ bắc và từ 107035’ đến 1070,56’ độ kinh đông. Phần lớn các trung tâm hành chính của các xã, thị trấn nằm trên trục lộ DT 604 và đường Hồ Chí Minh. Có thể nói Đông Giang có một vị trí khá thuận lợi và được thiên nhiên ưu đãi để đầu tư khai thác và phát triển nhiều loại hình du lịch.
Với những giá trị về bản sắc văn hóa lễ hội truyền thống độc đáo của cộng đồng người Cơtu hiện có như: khôi phục và tái hiện lại toàn bộ các giá trị truyền thống làng cổ Cơtu, làng nghề truyền thống, trang phục, trang sức, cung cách sinh hoạt thường nhật; các lễ thức như: Lễ hội Mừng lúa mới, lễ cưới hỏi, lễ bỏ mã…với những vũ điệu Tân tung - da dá hòa cùng với tiếng khèn, Aben và tiếng cồng, tiếng chiêng theo nhịp trống; tạo nên một âm hưởng vang vọng trong không gian của núi rừng đại ngàn hùng vĩ.
Đến với Đông Giang, quý khách có thể chiêm ngưỡng những vẻ đẹp huyền bí, hoang sơ do thiên nhiên ưu đãi và còn có một môi trường du lịch sinh thái khá lý tưởng, với diện tích rừng chiếm 60% diện tích đất tự nhiên, trong đó có một phần diện tích nằm trong khu vực bảo tồn thiên nhiên Bà Nà núi Chúa (thuộc địa phận xã Tư), khu bảo tồn loài sinh vật cảnh Sao La và vườn Quốc gia Bạch Mã; suối nước nóng (thuộc địa phận xã Sông Kôn); hang động (thuộc địa phận xã Mà Cooih) nơi đây đã diễn ra trận đánh Gợp của quân và dân huyện Đông Giang tiêu diệt gọn một trung đội biệt kích Mỹ; hiện nay là nơi trú ngụ và sinh sản của các loài dơi. Khí hậu Đông Giang tương đối ôn hòa mát mẻ thích hợp với loại hình dịch vụ du lịch dã ngoại như: tắm suối, lên đồi hái chè và du thuyền thưởng ngoạn trên các lòng hồ của các công trình thủy điện lớn.
Về loại hình du lịch: Đông Giang có thể phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái mặt nước các lòng hồ thủy điện, ghé thăm những cánh rừng nguyên sinh, du lịch văn hóa cộng đồng làng, du lịch làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, về lâu dài có thể xây dựng các khu nghỉ dưỡng để phục vụ du khách. Trong những năm gần đây; tỉnh Quảng Nam nói chung, huyện Đông Giang nói riêng nhất là sau khi tái lập huyện; Đảng bộ Chính quyền và nhân dân huyện Đông Giang phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi thách thức; xây dựng và ổn định hệ thống chính trị, giữ vững Quốc phòng An ninh, đẩy mạnh khai thác tiềm năng để phát triển các loại hình kinh tế, dịch vụ nâng cao mức sống cho người dân và chăm lo đời sống xã hội… Theo tinh thần Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh phát triển du lịch Quảng Nam đến 2020; trong đó chú trọng khai thác du lịch văn hóa truyền thống cộng đồng gắn với du lịch sinh thái và đường Hồ Chí Minh huyền thoại vùng tây Quảng Nam; đã mở ra cho Đông Giang một hướng đi mới.
Năm 2006, với chương trình chào mừng năm du lịch Quốc gia Quảng Nam, làng Bhơhôồng huyện Đông Giang được chọn là một điểm đến khởi đầu cho cuộc hành trình khám phá tiềm năng du lịch vùng tây Quảng Nam, từ đây làng Bhơhôồng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Ngày 20/5/2008 điểm du lịch văn hóa cộng đồng làng Bhơhôồng chính thức được UBND tỉnh công nhận và đưa vào khai thác. Tuy nhiên, để khai thác có hiệu quả và thật sự bền vững tiềm năng hiện có, nhằm tạo ra sự thu hút hấp dẫn ngày càng đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Đông Giang, tạo ra một lộ trình hoàn chỉnh, xuyên suốt khám phá cái mới của tuyến du lịch vùng Tây Quảng Nam. Theo tôi có năm vấn đề mà các cấp, các ngành chức năng cần tập trung như sau:
Một là: Trước hết, về chuyển đổi cơ cấu kinh tế thuần nông từ kinh tế nương rẫy trở thành kinh tế dịch vụ du lịch là cả một quá trình. Muốn vậy, trước tiên là phải thay đổi nhận thức và thói quen thường nhật của người dân. Bên cạnh cần phải có sự đầu tư hợp lý để đẩy mạnh ngành nghề truyền thống hiện có như: nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát mây tre với nhiều mẫu mã sản phẩm và coi đây là nguồn thu nhập chính của người dân.
Hai là: Vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng và khai thác các sản phẩm du lịch là vấn đề thiết yếu, là điều kiện quyết định để lại ấn tượng đẹp cho du khách khi dừng chân đến Đông Giang. Vì vậy, ngoài sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống cộng đồng, cần khai thác thêm tài nguyên hiện có và mở rộng không gian sản phẩm du lịch liên hoàn như: du lịch sinh thái tài nguyên rừng; khai khoáng suối nước nóng; tận dụng mặt nước các lòng hồ thủy điện; xây dựng các khu nghỉ dưỡng và tổ chức các loại hình dịch vụ… Có như vậy mới tạo ra được một sản phẩm phong phú làm hấp dẫn du khách.
Ba là: Đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ có đủ kỷ năng chuyên nghiệp để làm công tác du lịch như: đào tạo hướng dẫn viên; lễ tân, buồng, bếp… phục vụ du khách.
Bốn là: Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm cần phải đa dạng, phong phú bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm mời gọi thu hút đầu tư.
Năm là: Phải có cơ chế chính sách hợp lý, thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khai thác sản phẩm du lịch. Có được như vậy, chắc chắn Đông Giang sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.